Rất nhiều bạn khi lần đầu tiên tiếp xúc với chữ Trung Quốc đều cho rằng chữ Trung Quốc vừa khó viết vừa khó nhớ.
Tại sao lại khó viết?
Thực ra, lúc đầu khi chưa biết gì về chữ Trung Quốc, bạn đã có thể “tự mình” viết được chữ Trung Quốc. Chữ Trung Quốc giống như một bức tranh, chỉ cần có quan sát kỹ, là có thể mô phỏng và “vẽ” lại không sai tí nào. Thậm chí, nếu bạn có chút năng khiếu “vẽ” bạn có thể bố cục hợp lý các nét và vẽ lại chữ đó giống như một người thạo viết.
Vấn đề không phải là khó viết?
Vẽ chữ Trung Quốc rất dễ, dễ hơn là vẽ một đồ vật gì đó. Quan trọng là bạn nắm được quy tắc của nó. Cũng giống như bạn viết dấu cộng (+) trong toán học, bạn viết nét ngang trước hay viết nét dọc trước, bạn viết chữ A (A in) thì viết nét nào trước nét nào sau thôi!
Biết được quy tắc đó rồi, chữ có khó đến mấy, phức tạp đến mấy cũng “vẽ” được.
Khi vẽ, có thể bạn sẽ vẽ theo một quy tắc của riêng bạn. Nhưng nói là “viết” thì nhất định phải theo một quy tắc mà người ta gọi là “quy tắc bút thuận”.
Nhiều bạn vì không nắm được quy tắc này nên viết chữ theo “suy nghĩ” của mình. Có nghĩa là viết như “vẽ”, và sau đó quan sát lại xem còn thiếu cái gì thì thêm vào.
Chữ Trung Quốc gồm những nét giống như những cái que được sắp xếp gọn trong một ô hình vuông. Khi “vẽ” bạn cố gắng đừng vẽ nó thành hình chữ nhật hay hình thang là đẹp.
Quy tắc thế nào?
Đây là bài học vỡ lòng cho những ai muốn vẽ được chữ Trung Quốc. Tốt nhất, bạn phải dành ít nhất một buổi để tìm hiểu 3 vấn đề sau:
Thứ nhất: Những nét cơ bản của chữ Trung Quốc (8 nét).
Thứ hai: Thế nào là Quy tắc bút thuận?
Thứ ba: Những kết cấu cơ bản của chữ Trung Quốc?
Sau khi tìm hiểu 3 vấn đề trên rồi thì hãy tập “vẽ”. Lúc đó bạn sẽ thấy chữ Trung Quốc không khó như lúc đầu tưởng tượng.
Chữ Trung Quốc có thực sự khó nhớ ???
Chắc chắn điều này là đúng cho bất kỳ ai, kể cả người Trung Quốc. Tuy nhiên, nhớ mặt chữ đơn giản hơn rất nhiều so với nhớ xem chữ đó viết thế nào (chữ đó gồm bộ nào + chữ nào,…).
Ngày trước khi các cụ học chữ Nho, cũng vì khó nhớ quá thế nên mới nghĩ ra kiểu chiết tự. Chẳng hạn như:
“Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm”
(Chữ Đức)
Ngay cả những người Trung Quốc, rất nhiều người không viết được, hoặc chỉ viết được một số chữ thông dùng còn những chứ ít sử dụng cũng không nhớ nổi mà viết. Thế nên, phần lớn mọi người khi học tiếng Trung Quốc đều cảm thấy “nhớ” đựợc chữ Trung Quốc để mà viết thì rất khó.
VÌ thế có nhiều người biết nhiều chữ nhưng không biết viết, vậy mà vẫn nói được, vẫn đọc được. Chữ Trung Quốc phức tạp, viết sai một nét là thành nghĩa khác. Thế nên người ta mới nói “chữ tác đánh thành chữ tộ” là như vậy.
Theo Ngọc Sắc