Hà Lan là quốc gia nổi tiếng với hoa tulip, với một đội bóng có lối chơi tổng lực đẹp mắt, là quê hương của Van Gogh và là một trong những nền kinh tế lớn ở châu Âu.
Hà Lan là một quốc gia nằm ở Tây Bắc châu Âu. Khoảng 6500 km2 của Hà Lan là đất khai hoang, kết quả của quá trình quản lý nước cẩn trọng từ thời trung cổ. Dọc theo bờ biển, đất được khai hoang bằng cách lấn biển, còn trong nội địa, một số hồ và đầm lầy được rút cạn. Tất cả những vùng đất mới này thường được bao quanh bởi các con đê .
Tên tiếng Anh của Hà Lan có nghĩa là “vùng đất trũng”. Và quả thực, quốc gia này là một vùng đất thấp và bằng phẳng. Nếu Hà Lan mất đi sự bảo vệ của các đụn cát và đê, những khu vực đông dân nhất, những nơi nằm cao hơn mực nước biển không quá 1m (1/2 diện tích Hà Lan), sẽ bị nhấn chìm trong nước, ¼ tổng diện tích quốc gia này thậm chí còn nằm dưới mực nước biển.
Hà Lan – Đất nước của cối xay gió, hoa Tulip và kênh đào
Hiếm ai còn lạ lẫm gì với biệt danh “đất nước của cối xay gió” của Hà Lan. Trong nhiều thế kỷ, các cối xay đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khai hoang, chế biến nguyên liệu thô và sản xuất. Ngày nay, các cối xay hầu như không có giá trị kinh tế, chủ yếu dùng làm tua bin tạo ra điện, nhưng chúng là biểu tượng của Hà Lan và vẫn thu hút được rất nhiều sự chú ý. Mạng lưới cối xay gió ở Kinderdijk-Elshout được UNESCO công nhận là một di sản thế giới.
Chính phủ Hà Lan chọn ngày thứ Bảy và Chủ nhật thứ hai của tháng 5 làm Ngày Cối xay Quốc gia. Vào 2 ngày này, 950 cối xay gió và cối xay nước đồng loạt mở cửa cho các du khách thăm quan.
Ngoài cối xay, một trong những đặc trưng khác của Hà Lan chính là hệ thống kênh đào, một phần thiết yếu trong nhiều quy hoạch đô thị ở quốc gia này. Những con kênh thường được xây dựng từ thế kỷ 17 này để phục vụ cho việc thoát nước, vận chuyển, phòng vệ, và xả nước thải.
Ngày nay, các kênh rạch là một phần của khung cảnh thành phố và mang tính biểu tượng của Hà Lan. Khách du lịch và người dân địa phương rất yêu thích cảnh quan mang tính biểu tưởng và cổ điển mà hệ thông kênh đào tạo ra cho các thành phố như Amsterdam, Ultrech, Delft, The Hague,…
Các kênh đào vẫn cần được nạo vét thường xuyên để đảm bảo độ sâu. Ngoài ra, chúng vẫn còn được dùng cho nhiều mục đích khác như: du lịch bằng thuyền, các môn thể thao dưới nước như bơi xuồng và chèo thuyền, tổ chức lễ hội, nhà thuyền (có khoảng 2.500 căn nhà nổi ở riêng Amsterdam, một số có thể cho thuê).
Dù Amsterdam là thủ đô chính thức của Hà Lan, nhưng The Hague mới thực sự là thủ đô hành chính của quốc gia này. Chính phủ, tòa án và nơi ở của gia đình hoàng gia được đặt ở thành phố này.
Kể từ năm 1920, ngày càng có nhiều tòa án quốc tế được đặt ở The Hague. Tòa án lâu đời nhất là “Tòa án thế giới”, tên gọi chính thức là Tòa án Công Lý Quốc tế, là cơ quan tư pháp chính của UN. Mỗi tòa án đều có nhiệm vụ khác nhau, một số liên kết với UN, số khác thì không.
Ngoài các tòa án, The Hague cũng là nhà của nhiều tổ chức quốc tế khác như Tổ chức cấm vũ khí hóa học, Europol – cơ quan thực thi pháp luật của EU. Có trên 160 tổ chức quốc tế với khoảng 14.000 nhân viên ở The Hague.