Tết Nguyên đán là thời khắc sum vầy, để cảm nhận sự ấm áp trong không khí đoàn đụ đầy ắp tình yêu thương của mỗi con dân đất Việt.
Dù đi đâu, mỗi người đều muốn được về với quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình trong giờ phút thiêng liêng đó. Tết là thời khắc linh thiêng khi trời đất giao hòa, khi ấy mỗi người đều có khoảng lặng, tĩnh tâm hướng về nguồn cội, dân tộc, hướng về nhau trong tình người nhân bản nhất mà sự tất bật ngược xuôi của ngày thường không thể có được. Với lưu học sinh, những người đi học xa nhà, Tết xa quê luôn là những mùa xuân không trọn vẹn.
Tết này con không về
Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng (Nghiên cứ sinh ngành Luật tại Đại học (ĐH) Nhân dân Trung quốc) – Chủ tịch Hội lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Bắc Kinh cho biết: “Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh có trên 1.400 hội viên học tập nghiên cứu ở tất cả các trường khác nhau trên địa bàn thành phố, mỗi khi Tết đến, về quê luôn là trăn trở của rất nhiều lưu học sinh; mỗi năm có hàng trăm học sinh không có điều kiện về quê ăn Tết”.
Đỗ Văn Hiểu (34 tuổi, quê Thái Bình), chưa xây dựng gia đình, hiện là nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ năm cuối chuyên ngành Văn học của ĐH Nhân dân Trung quốc. Tết này là năm thứ hai liên tục Hiểu quyết định không về, do sức ép học hành, nghiên cứu. Hiểu bảo thời gian nghỉ Tết của Trung Quốc trùng với thời gian nghỉ đông của các trường, học viện, thời gian thường kéo dài đến 6-7 tuần, ra Tết phải bảo vệ đề cương, bảo vệ từng phần, rồi bảo vệ luận án tốt nghiệp, công việc nhiều, nên mình quyết định Tết này ở lại để có điều kiện và thời gian nghiên cứu.
Gặp sinh viên chuyên ngành Sư phạm của ĐH Sư phạm Bắc Kinh Nguyễn Thị Loan (20 tuổi, quê Lâm Đồng), Loan tâm sự, du học sinh tự túc thì cuộc sống cực kỳ khó khăn, học phí mỗi kỳ khoảng 70 triệu tiền Việt, chưa kể sinh hoạt phí. Mỗi lần đi lại, vé máy bay quốc tế đắt đỏ, rất tốt kém. Năm ngoái Loan về, riêng tiền vé máy bay khứ hồi cũng mất gần 20 triệu, nên năm nay quyết định ở lại, đỡ bố mẹ được phần nào hay phần đó. Ngoài lên lớp, hằng ngày từ 17h -23h, Loan làm thêm tại một nhà hàng Trung Quốc để có thêm chút thu nhập. Loan bộc bạch, gọi điện về cho mẹ trong những ngày cuối năm bảo mẹ Tết này con không về mà nghẹn ngào đến nước mắt tuôn rơi.
NCS Tiến sĩ chuyên ngành Luật Đào Ngọc Báu (quê Hải Phòng) ở cái tuổi 36, cũng chưa xây dựng gia đình. Báu cho biết, ra Tết là thi Tổng hợp (giống thi chuyển giai đoạn trước đây ở Việt Nam sau khi đã học xong những học phần bắt buộc, gồm thi viết và vấn đáp, thi qua phần này mới đến giai đoạn làm đề cương, bảo vệ đề cương, và viết luận án) nên nếu không qua, nguy cơ ra hạn thêm năm nữa là rất dễ, nên quyết định ở lại để có thêm thời gian tập trung học tập.
Mỗi người với những nỗi niềm khác nhau, mà mong muốn về quê ăn tết không thể thực hiện. Con đường học thuật luôn là con đường gian nan, mà không phải ai cũng dễ dàng và đến đích vinh quang, đặc biệt là du học tu nghiệp nước ngoài. Có khi phải trả giá, đánh đổi bằng nhiều thứ, bỏ lại tuổi thanh xuân nơi giảng đường nước bạn như Hiểu, như Báu; cố gắng học tập, nghiên cứu trong điều kiện đòi hỏi cao bằng ngôn ngữ khác.
Nỗi lòng đón Tết xa quê
Trong không khí náo nức Tết đến xuân về, những người ở lại đón Tết xa quê bao giờ cũng hỗn độn cảm xúc buồn, cô đơn khó tả. Ai cũng nhớ cảm giác tết cổ truyền dân tộc, nhà nhà bận rộn sắp sửa mong sao cho ngày Tết tươm tất, được vui vầy sum họp bên những người thân yêu, thắp nén hương trầm nhớ về nguồn cội, ôn cố tri tân… Để vơi đi nỗi lòng đón Tết xa quê, Đào Ngọc Báu lựa chọn tham gia buổi gặp mặt đón Xuân do Đại sứ quán tổ chức thường niên cho bà con Việt kiều, lưu học sinh đón tết xa quê, được dâng hương tại bàn thờ Bác Hồ ở Đại sứ quán Việt Nam. Nguyễn Thị Loan chọn cách chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, gọi mấy người bạn cùng cảnh ngộ đến gói bánh chưng cho quên đi nỗi nhớ nhà, xong luộc bánh chưng bằng… bếp từ.
ST