Buổi phỏng vấn với bạn Lê Thị Diệu mở ra những điều mới mẻ về đất nước Nhật Bản. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại về đất nước hoa Anh đào nổi tiếng này qua góc nhìn của 1 bạn du học sinh nhé!
TRƯỚC QUÁ TRÌNH THỰC TẬP
– Xin chào Diệu, để mở đầu cho cuộc trò chuyện hôm nay, bạn có thể có thể giới thiệu ngắn gọn về chương trình thực tập mình đã tham gia không?
Chương trình mình tham gia có tên là Global Internship của AIESEC – một trong những tổ chức sinh viên lớn nhất thế giới. Mục đích của chương trình là đưa thực tập sinh sang làm việc tại các công ty nước ngoài để tăng cường vốn hiểu biết, khả năng lãnh đạo và những trải nghiệm quốc tế.
Chương trình mở đơn quanh năm, đối tượng tham gia có thể là sinh viên đang học hoặc đã tôt nghiệp không quá hai năm. Khi đăng kí tham gia, mình có thể chọn thực tập không lương – Global entrepreneur hoặc thực tập có lương – Global Talent. Để biết thêm chi tiết thì mọi người có thể tham khảo ở website chương trình.
– Để được chọn tham gia vào chương trình này, bạn đã trải qua bao nhiêu vòng tuyển chọn? Bạn có thể chia sẻ về hình thức của từng vòng và kinh nghiệm để vượt qua chúng cho mọi người không?
Khi tham gia chương trình, mình đã trải qua 3 vòng: vòng đơn, phỏng vấn với AIESEC nước sở tại và phỏng vấn với công ty.
Kinh nghiệm vượt qua vòng đơn của mình là hãy chăm chút thật kĩ cover letter và làm nổi bật rõ lí do tại sao bạn muốn đi thực tập tại công ty này một cách ngắn gọn, rõ ràng. Cá nhân mình tập trung viết một cover letter thật tốt, sau đó gửi đến một loạt các dự án ở Nhật kèm CV. Kết quả là có đến 6/10 hồ sơ gửi đi đã phản hồi.
Với vòng phỏng vấn của AIESEC và công ty, các bạn hãy cố gắng trả lời kèm dẫn chứng. Chẳng hạn như khi được hỏi điểm mạnh là gì thì mình trả lời là khả năng thích ứng nhanh với môi trường mới và lấy chuyến tình nguyện tại Ấn Độ ba năm trước làm ví dụ.
Một kinh nghiệm khác để gây ấn tượng với bên tuyển dụng mình học được từ các anh chị đi trước là sau buổi phỏng vấn, hãy gửi cho họ một sản phẩm thực tế bạn nghiên cứu. Ví dụ như khi mình ứng tuyển vào một công ty đèn điện ở Nhật, mình đã gửi cho họ một bản báo cáo về văn hoá sử dụng đèn điện ở Việt Nam và đây cũng là dự án mình đã đỗ và thực tập trong suốt 3 tháng.
– Bạn có nghĩ việc từng gắn bó với AIESEC trong quá khứ sẽ khiến khả năng được chọn cao hơn so với những người chưa từng tham gia AIESEC không?
Nhận định này không hẳn là chính xác vì những kinh nghiệm làm việc và kĩ năng mình học được trong AIESEC vẫn có thể tiếp thu từ những môi trường khác. Tuy nhiên, quá trình làm việc ở AIESEC giúp mình hiểu rất rõ về chương trình bao gồm cả những khó khăn mà mình sẽ gặp phải trong quá trình nộp hồ sơ.
Thông thường một số bạn sẽ cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc khi nộp hồ sơ cả chục dự án, tốn nhiều tháng trời mà vẫn không có kết quả. Nhưng do hiểu điều đó ngay từ đầu nên mình coi việc trượt công ty này cũng không có gì to tát và phấn đấu ở công ty khác. Mình quen một số anh chị phải nộp hồ sơ cho khoảng 22 công ty, ròng rã suốt 6 tháng cuối cùng mới được chọn. Cơ hội là công bằng với tất cả những ai kiên trì. Đây là điều mà mình đã học được từ AIESEC.
– Tại sao bạn chọn Nhật Bản là địa điểm thực tập mà không phải một quốc gia nào khác?
Có nhiều lí do để mình chọn Nhật Bản. Thứ nhất là mình dự định làm việc cho một công ty Nhật sau khi tốt nghiệp thế nên chuyến thực tập này sẽ giúp mình hiểu được văn hoá làm việc của họ, xây dựng các mối quan hệ và nâng cao khả năng tiếng Nhật.
Thứ hai, mình là fan cuồng của các thể loại phim Nhật từ anime đến phim truyền hình, thế nên mình luôn hi vọng được sang thăm quan đất nước xinh đẹp này.
Một lí do nữa là các dự án ở Nhật có nhiều ưu đãi hấp dẫn cho thực tập sinh như công ty mình lo cho toàn bộ từ căn hộ để ở, điện nước, chi phí đi lại, vé máy bay chiều về và một mức lương hấp dẫn. Một chuyến thực tập vừa được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm vừa có tiền để đi tham quan du lịch quả thật rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, mình cũng khá liều khi chọn Nhật Bản vì thường các dự án ở đây sẽ ưu tiên những ứng cử viên biết tiếng Nhật trong khi mình chỉ mới học xong bảng chữ cái Hiragana. Nhưng tự nhủ không thử thì sao biết nên mình cứ mạnh dạn nộp hồ sơ và thật may là đã đỗ chỉ sau 2 tháng.
– Sau khi được chọn tham gia chương trình, bạn đã chuẩn bị những hành trang gì về mặt tài chính lẫn tinh thần cho chuyến thực tập xa nhà này?
Về mặt tài chính, mình tự lo các khoản gồm tiền phải nộp cho AIESEC (khoảng 6 triệu đồng), tiền làm visa (650 nghìn đồng), vé máy bay một chiều giá rẻ (5 triệu đồng), mua sắm đồ đạc (2 triệu đồng), và tiền dự phòng (8 triệu đồng). Tổng chi phí mình chuẩn bị rơi vào khoảng 22 triệu đồng.
Về mặt tinh thần, để đối phó với các trường hợp sốc văn hoá, mình lên mạng tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản, tăng cường học tiếng để thuận lợi hơn trong giao tiếp và thường xuyên gặp gỡ với các tiền bối đi trước để học hỏi những kinh nghiệm từ họ.
Những thủ tục trước khi lên đường của bạn bao gồm những gì? Có ai giúp đỡ bạn hoàn thành những thủ tục này không hay bạn phải tự làm?
Muốn lấy được visa sang Nhật, đầu tiên bạn cần có giấy chứng nhận tư cách lưu trú COE. Giấy này các bạn AIESEC bên Nhật làm giúp, mình chì cần gửi ảnh, giấy chứng nhận sinh viên và các giấy tờ bổ sung khác cho họ.
Khi lấy được COE sau khoảng 3 tháng chờ đợi, mình chỉ cần đem giấy này cộng với đơn xin làm visa rồi gửi cho bên đại sứ quán. Sau khoảng 7 ngày là mình được cấp visa. Việc làm visa của mình khá là dễ dàng vì những thông tin cần thiết và các giấy tờ quan trọng đều được giúp đỡ bởi các bạn đồng hành của mình ở Việt Nam và Nhật.
– Bạn có phải hoãn việc học của mình lại để tham gia chương trình hay không?
Các dự án ở Nhật chỉ chấp nhận sinh viên nên nếu bạn đã tốt nghiệp thì sẽ không đủ điều kiện để tham gia. Cá nhân mình đã tính toán thời gian đi vào khoảng tháng 1 sau khi thi xong tất cả các môn nên tranh thủ nộp hồ sơ vào tháng 6 năm trước để kịp tiến độ.
Chính vì vậy nên mình không phải hoãn việc học mà chỉ có hoãn tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều anh chị khác đi vào giữa năm học nên thường sẽ phải hoãn việc học một năm. Do đó bạn nên tính toán thật kĩ thời gian thực tập để có sự chuẩn bị cần thiết.
– Bạn có lưu ý gì về những thứ bắt buộc phải mang theo trong vali khi sang Nhật cho những bạn sắp tham gia chương trình này không?
Về giấy tờ, các bạn nên chuẩn bị bản photo chứng minh thư, COE, thư mời của công ty để trong trường hợp mất hộ chiếu có thể làm lại được.
Về tài chính, chúng ta nên chuẩn bị một khoản tiền mặt nhất định vì nhiều công ty không trả lương ngay sau khi đến mà thường là sau 15 hay thậm chí là 30 ngày làm việc. Số tiền mang theo có thể dao động trong khoảng từ 40,000 yên đến 80,000 yên (tầm 8 đến 16 triệu đồng) và nên là tiền mặt yên Nhật vì đổi ngoại tệ ở Nhật phải đến ngân hàng khá rắc rối.
Ngoài ra các bạn có thể mang theo một số đồ ăn Việt Nam sang như gạo, mì tôm, ruốc…đề phòng trường hợp ăn không quen đồ ăn Nhật và muốn tiết kiệm tiền. Các bạn cũng nên để ý thời tiết bên Nhật để mang trang phục phù hợp. Mùa đông bên Nhật khá lạnh và rất dễ bị cảm thế nên hãy chuẩn bị một số loại thuốc cúm thông thường vì bên này muốn mua thuốc phải đến bệnh viên khám và có đơn của bác sĩ.
TRONG QUÁ TRÌNH THỰC TẬP
– Ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến Nhật Bản là gì?
Đó là sự thân thiện và chu đáo của con người nơi đây, cụ thể là các bạn đồng hành thuộc tổ chức AIESEC bên này. Chuyến bay của mình đến Osaka vào lúc 9h20 nhưng các bạn ý đã chờ ở sân bay từ một tiếng trước và chào đón mình bằng mình cái ôm thật chặt. Các bạn ý lo hết cho mình từ việc xách hành lý về căn hộ, sắp xếp đồ đạc, dẫn mình đi mua các vật dụng cần thiết và tổ chức một tiệc chào đón hoành tráng cho mình nữa. Thật vui khi trong chuyến thực tập này mình có thể quen được những người bạn tốt bụng như vậy.
– Bạn thực tập tại thành phố nào ở Nhật? Bạn có thể chia sẻ những thông tin thú vị về thành phố này với độc giả được chứ?
Thành phố Kobe, tỉnh Hyogo là nơi mình đến thực tập. Chắc mọi người đã nghe qua về thành phố này với món thịt bò nổi tiếng thế giới. Khác với một Osaka sôi động và đông đúc ngay bên cạnh, mình thích cái sự hiện đại nhưng vẫn khá yên tĩnh và pha chút cổ điển của Kobe.
Vào mỗi cuối tuần, mình và các bạn đồng hành thường rủ nhau đi ngắm hoàng hôn ở cảng Kobe; đến núi Rokko để ngắm nhìn thành phố từ độ cao 720m; cầu nguyện ở chùa Ikuta hay lạc mình trong những khu shopping ở phố Sannomiya.
Đến Kobe, những bạn yêu âm thực như mình tha hồ được ăn uống thỏa thích. Bạn dễ dàng tìm thấy những món ăn truyền thống Nhật Bản cũng như món ăn của phương tây trên đường phố. Với mình, bánh crepe ở cảng Kobe, mì ramen do chủ tịch công ty mình làm và thịt bò Kobe trên phố Sannomiya là những địa chỉ ăn uống yêu thích của mình ở đây.
– Bạn thực tập ở công ty nào ở Nhật? Vị trí thực tập của bạn là gì và công việc hàng ngày của bạn ra sao?
Công ty mình thực tập có tên là Ono Lighting, có tuổi đời 28 năm, chuyên phân phối các sản phẩm đèn điện. Trong công ty, mình thực tập theo chuyên ngành quản trị kinh doanh và làm việc ở những vị trí khác nhau.
Tháng đầu tiên, mình làm việc ở dưới nhà xưởng với nhiệm vụ kiểm tra và đóng gói hàng hóa trước khi phân phối. Mình được học về từng loại sản phẩm đèn khác nhau, cách kiểm tra mã code, đọc đơn hàng cho đến cách đóng gói chúng như thế nào.
Sau một tháng tìm hiểu về sản phẩm và quá trình phân phối, mình được chuyển lên bộ phận media. Đây là bộ phận phụ trách mảng bán hàng qua mạng của công ty. Ở đây, công việc của mình là lập bảng excel so sánh giá bán của các công ty khác và thiết kế bảng tin tức trên cửa hàng online. Công việc này giúp mình hiểu về các đối thủ cạnh tranh và học thêm kĩ năng design.
Trong hai tuần tiếp theo, mình làm trong bộ phận bán hàng với công việc chính là xuất hóa đơn cho khách. Ngoài ra còn nhận và chuyển điện thoại giữa hai chi nhánh Tokyo và Kobe.
Những tuần cuối cùng, mình làm trong bộ phận kế toán và hành chính. Công việc hằng ngày sẽ là pha cafe cho đồng nghiệp, kiểm tra thư từ, đặt cơm trưa cho đồng nghiệp và kiểm tra hóa đơn.
Song song với những công việc chính trong các bộ phận, mình còn được tham gia cuộc họp của tất cả team trong công ty, phụ trách viết bài trên trang Facebook và cùng với các AIESECer nghiên cứu vấn đề giảm thiểu rác thải ở Ono Lighting.
– Những khó khăn bạn đã gặp phải trong quá trình thực tập là gì và bạn đã vượt qua chúng như thế nào?
Khó khăn duy nhất mình gặp phải là vấn đề về ngôn ngữ. Trước khi sang Nhật, mình chỉ mới học xong bảng chữ cái Hiragana, giao tiếp gần như bằng không, lúc phỏng vấn cũng là phỏng vấn bằng tiếng Anh. Khi sang đây, công việc yêu cầu sử dụng 100% tiếng Nhật, chủ tịch còn bảo mình không được dùng tiếng Anh để giao tiếp với đồng nghiệp.
Tuần đầu tiên của mình đúng là kiểu vịt nghe sấm khi quản lí nói chuyện mà mình không hiểu gì. Sau tuần tăm tối đầu tiên, mình dùng một cuốn sổ nhỏ ghi chép lại những từ phổ biến hay gặp và học chúng mỗi tối. Khi nói chuyện với đồng nghiệp, mình cố gắng nghe những từ quan trọng và đoán xem họ đang nói về cái gì. Ví dụ, trong một câu mà có từ gohan (bữa ăn) rồi chỉ lên đồng hồ thì mình hiểu là họ đang nhắc mình đã đến giờ ăn cơm trưa.
Bên cạnh đó, mình nhận được rất nhiều sự quan tâm của công ty trong việc học tiếng Nhật. Thậm chí chủ tịch và hai quản lí của mình đã họp lại và đề xuất các phương án cải thiện tiếng Nhật cho mình. Họ cho mình tuần đầu tiên chưa phải làm gì nhiều mà dành 3 tiếng mỗi ngày học tiếng Nhật với quản lí trên văn phòng. Họ còn mua tặng mình hai cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học để luyện đọc mỗi ngày (cho đến tận ngày cuối cùng của chuyến thực tập, mình vẫn phải học chúng). Đồng thời, mỗi ngày mình phải đọc 10 từ tiếng Nhật trong cuộc họp buổi sáng của công ty để mọi người kiểm tra. Nhờ môi trường rèn luyện như vậy mà chỉ sau 3 tháng, khả năng tiếng Nhật của mình tăng lên thần tốc và có thể giao tiếp cơ bản thành thạo với mọi người.
– Những cú sốc văn hóa trong công việc lẫn trong cuộc sống mà bạn đã gặp phải trong suốt quá trình thực tập là gì?
Nói về văn hóa làm việc của người Nhật, mình cảm thấy bất ngờ vì nó rất khác so với những công ty Việt Nam và phương Tây mình đã từng làm việc.
Thứ nhất là người Nhật rất coi trọng sự đúng giờ. Ở công ty mình, 7h30 là bắt đầu làm việc nhưng cứ đúng 7h là tất cả các sếp lớn sếp nhỏ đều đã có mặt đầy đủ còn nhân viên thì muộn nhất là 7h15. Hôm đầu tiên đi làm mình định gây ấn tượng với mọi người bằng cách đến sớm 15 phút nhưng đến nơi mới thấy mỗi người ôm một cái máy tính làm việc từ lâu rồi.
Thứ hai là người Nhật rất lịch sử và lễ phép. Với công ty mình, mỗi sáng khi đến văn phòng, đồng nghiệp sẽ cúi người và chào nhau thật to “Ohayou Gozaimasu” (chào buổi sáng) và mỗi khi có khách đến thăm dù chỉ là người giao hàng, tất cả sẽ đồng thanh nói “Irasshaimase” (Chào mừng đến với công ty).
Thứ ba là Ohayou Kai – nghi thức buổi sáng gồm một loạt các hoạt động như tập thể dục, luyện thanh, đọc điều lệ công ty và kết thúc bằng việc chào nhau cũng làm mình bất ngờ và thích thú. Người Nhật nổi tiếng sạch sẽ, điển hình như ở Ono Lighting, 8h30 mỗi sáng là thời gian dọn dẹp nên ai nấy cũng tay cầm giẻ lau, tay cầm máy hút bụi dọn dẹp từng phòng một. Chính vì vậy công ty rất sạch sẽ mà không cần thuê nhân viên lau dọn.
Bên cạnh đó, Ono Lighting còn khác biệt ở chỗ nhân viên ở đây không được làm quá giờ. Chúng ta thường nghe đến kiểu cuồng làm việc, đi sớm về khuya của người Nhật nhưng ở công ty mình, việc làm quá giờ bị cấm nên cứ đúng 5h30 là mọi người bắt đầu thu dọn đồ đạc để về nhà.
– Bạn có thể chia sẻ về việc đi lại, ăn uống, mua sắm,… và cuộc sống của bạn nói chung trong quá trình thực tập được không?
Cuộc sống của mình bên Nhật tuyệt vời và không có gì phải phàn nàn. Công ty thuê cho mình một căn hộ riêng ngay giữa trung tâm thành phố với đầy đủ tiện nghi, gần tàu điện ngầm và cách công ty chỉ 5 phút đi bộ. Mình không phải chi trả tiền phòng và tiền điện nước nên toàn bộ lương dành cho việc ăn uống, đi chơi và các khoản cá nhân khác.
Đi lại chủ yếu bằng tàu điện ngầm, rất nhanh chóng nên nếu có thời gian, mình đến Osaka hay Kyoto để du lịch. Về khoản ăn uống, mình thường tự nấu ăn và đem cơm hộp để ăn trưa cho tiết kiệm. Ở đây bạn có thể dễ dàng mua các nguyện liệu nấu nướng giá rẻ ở AEON Mall. Hôm nào lười nấu thì có thể mua đồ ăn trong các siêu thị tiện lợi, cũng không quá đắt.
Nếu thích mua sắm thì có thể đến phố Sanommiya hay cảng Kobe, tha hồ chọn lựa quần áo, mỹ phẩm. Nhìn chung, cuộc sống khá dễ chịu và mình biết khi có khó khăn gì thì có các bạn AIESEC cũng như Ono Lighting sẽ giúp đỡ hết sức.
– Những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực tập của bạn là gì?
Mình cảm thấy mỗi ngày ở đây đều là những kỉ niệm đẹp. Đáng nhớ nhất chắc là hôm tổ chức bữa tiệc Việt Nam (3/3). Đó là lần đầu tiên mình tự tay lên kế hoạch, tổ chức một sự kiện lớn như vậy với sự giúp đỡ của hai quản lý cũng như AIESECer.
Trong bữa tiệc ấy, chúng mình đã tự tay nấu các món ăn Việt Nam như phở cuốn, chè ngô, gà sốt chanh, tổ chức một buổi triển lãm ảnh về đất nước, con người Việt Nam và chơi các trò chơi dân gian như thi nói Tiếng Việt, bịt mắt đánh trống và ghế âm nhạc.
Điều đặc biệt nhất là các tiết mục văn nghệ ở phía cuối. Cả công ty đã được chiêm ngưỡng bài múa “Giấc mơ trưa” do chính các đồng nghiệp người Nhật của mình biểu diễn. Bản thân mình cũng đóng góp vào đó một bài nhảy sexy dance mà bây giờ nghĩ lại không hiểu sao lúc đấy can đảm vậy. Cuối cùng là bản song ca hài hước bài “Xe đạp” (Thùy Chi) của mình với một anh người Nhật ( cũng vì thế mà từ đó trong công ty mình với anh ý cứ bị ghép đôi suốt). Bữa tiệc hôm đó, chúng mình đã có những giây phút thực sự vui vẻ và đáng nhớ.
SAU QUÁ TRÌNH THỰC TẬP
– Những bài học và kinh nghiệm bạn đã rút ra được sau quá trình thực tập là gì?
Điều quý giá nhất mà mình rút ra được là đừng bao giờ nghĩ mình không làm được điều gì vì có những thứ phải thử mới biết được. Nếu mình nghĩ không có tiếng Nhật không thế đỗ vào công ty Nhật thì mình sẽ không có chuyến thực tập thú vị như vậy. Nếu mình nghĩ không thể tổ chức được một sự kiện lớn thì mình sẽ không có một bữa tiệc Việt Nam đáng nhớ như thế. Mình nhận ra rằng hãy cứ can đảm dấn thân để rồi nhận ra ‘à, thì ra mình cũng có thể làm được như vậy đấy’.
Theo Internet
Nếu bạn phát hiện chúng tôi thu thêm bất kì chi phí nào không có trong hợp đồng, Ban Giám đốc công ty cam kết sẽ hoàn trả cho bạn gấp đôi số tiền đó!!!